I. Mở đầu:
Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học nhằm phát huy năng lực của học sinh đặt ra như một nhu cầu tất yếu cho giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và môn Ngữ văn nói riêng hiện nay. Ngữ văn là một môn học có vai trò quan trọng trong việc trau dồi tư tưởng, tình cảm cho học sinh. Thông qua bộ môn cùng với sự truyền thụ của người thầy, các em sẽ lĩnh hội được nhiều điều tốt đẹp ở mỗi tác phẩm. Tuy nhiên, từ thực tế giảng dạy của đơn vị cho thấy sự sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực của học sinh chưa nhiều. Dạy học vẫn nặng truyền thụ kiến thức, hoàn thành đầy đủ nội dung giáo án đã định sẵn. Việc rèn luyện kỹ năng, hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh có được quan tâm nhưng hiệu quả chưa cao. Điều đó dẫn tới việc học sinh thụ động, lúng túng khi giải quyết những vấn đề trong thực tiễn.
Với vai trò là người tổ chức, hướng dẫn và điều khiển quá trình học tập của học sinh, giáo viên phải tìm ra nhiều biện pháp để phát huy cao nhất tính tích cực sáng tạo của người học, tạo niềm hứng thú say mê học tập ở các em. Giáo viên phải tự tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học tích cực. Bản thân là một giáo viên, tôi luôn ý thức nâng cao phẩm chất, năng lực cho học sinh, đặc biệt quá trình vận dụng kiến thức vào thực tiễn là vô cùng cần thiết, giúp các em tự tin, chủ động, có kỹ năng trong cuộc sống. Vận dụng phương pháp dạy học dự án và hoạt động trải nghiệm sáng tạo chiếm nhiều ưu thế trong việc phát huy năng lực học sinh. Từ những lí do trên, tôi đã mạnh dạn thực hiện giải pháp Phát triển năng lực học sinh qua dạy học dự án và trải nghiệm sáng tạo bài Thực hành văn học dân gian (sân khấu hóa tác phẩm Tấm Cám)
II. Nội dung:
Tích hợp các phương pháp dạy học dự án và hoạt động trải nghiệm sáng tạo luôn chiếm ưu thế trong việc phát huy năng lực học sinh. Vậy, bằng cách nào kết hợp chúng lại với nhau một cách có hiệu quả trong bài dạy Thực hành văn học dân gian?
Dạy học dự án là một hình thức dạy học hay phương pháp dạy học phức hợp, trong đó dưới sự hướng dẫn của giáo viên, người học tiếp thu kiến thức và hình thành kĩ năng thông qua việc giải quyết một bài tập tình huống (dự án) có thật trong đời sống, theo sát chương trình giảng dạy có sự kết hợp giữa lý thuyết với thực hành và tạo ra các sản phẩm cụ thể. Quy trình thực hiện có 4 giai đoạn:
- Xây dựng ý tưởng (xác định nội dung, kiến thức hình thành dự án)
- Lập kế hoạch dự án (xác định những công việc cần làm)
- Thực hiện dự án (các nhóm thực hiện nhiệm vụ dự án theo kế hoạch đã phân công dưới sự tư vấn của giáo viên),
- Thu thập kết quả dự án, đánh giá dự án (giáo viên và học sinh đánh giá quá trình thực hiện, kết quả sản phẩm, rút kinh nghiệm).
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục, từng cá nhân học sinh được trực tiếp hoạt động thực tiễn trong nhà trường hoặc ngoài xã hội dưới sự hướng dẫn và tổ chức của giáo viên, qua đó phát triển tình cảm, đạo đức, phẩm chất nhân cách, các năng lực và tích lũy kinh nghiệm riêng cũng như phát huy tiềm năng sáng tạo của cá nhân. Trải nghiệm sáng tạo bằng hình thức sân khấu hóa tác phẩm văn học nghĩa là thực hiện kịch bản văn học bằng clip video. Khi đó, các em phải chuẩn bị đạo cụ, tìm cảnh quay thực tế ngoài đời sống phù hợp kịch bản văn học. Hoàn thành sản phẩm, các em sẽ có được trải nghiệm thực tế. Các em sẽ dễ hình dung và tiếp thu tốt hơn về giá trị các tác phẩm văn học. Đó là hình thức thực hiện các hoạt động giáo dục gắn với thực tiễn.
Sau đây là một tiết dạy mà tôi đã cho học sinh thực hiện sân khấu hóa tác phẩm Tấm Cám bằng hoạt động trải nghiệm sáng tạo, kết hợp với dạy học dự án (tiết 23 - tuần 8: bài Thực hành văn học dân gian (sân khấu hóa tác phẩm Tấm Cám) theo quy trình như sau:
a) Giai đoạn 1: Xây dựng ý tưởng
Trên cơ sở hiểu về nội dung, nghệ thuật, giá trị, ý nghĩa của tác phẩm Tấm Cám mà các em đã được học 2 tiết trên lớp, giáo viên có thể cho các em thực hiện sân khấu hóa bởi một sản phẩm video cụ thể. Sau khi hình thành ý tưởng trên, tôi xác định mục tiêu dự án (xem phụ lục)
Tôi xây dựng kế hoạch và giáo án gắn với mục tiêu, nhiệm vụ học sinh.
Sau đó, tiếp xúc lớp học, giới thiệu kế hoạch, mục tiêu dự án, phân công nhiệm vụ cụ thể cho một nhóm học sinh lớp 10A2 khi thực hiện kịch bản bằng video:
- Phan Huỳnh Minh Thư vai Tấm
- Trương Ngọc Hân vai Cám
- Trần Thu Giao vai dì ghẻ
- Trần Nhã Phương vai Bà lão
- Nguyễn Hoàng Tuấn vai nhà vua
- Danh Toàn vai Bụt
- Lê Công Đoàn viết kịch bản, đạo diễn quay phim
- Phan Cẩm Duy thiết kế trang phục
Tiếp theo, hướng dẫn cụ thể cho học sinh thực hiện và giới thiệu các em một số trang web, phần mềm cắt ghép hình ảnh, clip video, nguồn tham khảo internet, nêu tiêu chí đánh giá sản phẩm,... Nhóm cần chuẩn bị bài thuyết trình về cách thực hiện sản phẩm, kiến thức học được sau dự án. Khi chuẩn bị trang phục, đạo cụ, cảnh quay...các em phải tự làm, chi phí thực hiện sản phẩm phải tiết kiệm tối đa. Thời gian: 3 tuần (xem phụ lục).
c) Giai đoạn 3: Thực hiện dự án
Theo nhiệm vụ được phân công, các em thực hiện công việc như xây dựng kịch bản, học lời thoại, cách diễn xuất, thiết kế trang phục, tìm cảnh quay... Trong quá trình đó giáo viên cần theo dõi sát sao, kiểm tra và giúp đỡ kịp thời, giải quyết những vướng mắc để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
d) Giai đoạn 4: Thu thập kết quả, đánh giá dự án. Tôi thực hiện trong 1 tiết dạy bài Thực hành văn học dân gian (sân khấu hóa tác phẩm Tấm Cám):
Giáo viên giới thiệu lại dự án cùng với mục tiêu bài học Thực hành văn học dân gian (xem phụ lục)
Tổ chức cho học sinh báo cáo sản phẩm theo các bước:
- Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ học tập: Giáo viên nêu lại nhiệm vụ, hướng dẫn về cách thức trình bày sản phẩm, giới hạn thời gian tối đa 15 phút.
- Bước 2: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập.
+ Đại diện nhóm giới thiệu sản phẩm và chiếu kịch bản sân khấu hóa tác phẩm Tấm Cám lên màn hình tivi.
+ Sau đó, các em thuyết trình về cách thức thực hiện sản phẩm kịch bản văn học bằng video, giá trị tác phẩm, học tập được gì từ những trải nghiệm thực tế khi thực hiện cảnh quay...
- Bước 3: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập
Khi học sinh trình chiếu video, giáo viên chia lớp thành các nhóm theo dõi, đánh giá cụ thể từng nhân vật về ngôn ngữ, trang phục, đạo cụ, diễn xuất, cảnh quay.. (nhóm 1 đánh giá vai Tấm, nhóm 2 vai Cám, nhóm 3 vai dì ghẻ, nhóm 4 vai Bụt, nhóm 5 vai Bà lão, nhóm 6 vai vua).
Sau đó, giáo viên tổng hợp các ý kiến và nhận xét chung, chuẩn hóa kiến thức, rút kinh nghiệm, hướng dẫn học sinh tổng hợp và khái quát những kiến thức trọng tâm của bài học Thực hành văn học dân gian. Khi thực hiện sân khấu hóa tác phẩm văn học, các em chú ý như sau:
- Phải đọc kĩ tác phẩm để nắm chi tiết nội dung, nghệ thuật tác phẩm Tấm Cám: hoàn cảnh nhân vật, ý nghĩa các chi tiết biến hóa của Tấm, mâu thuẫn truyện, giá trị nội dung, nghệ thuật của truyện.
- Trên cơ sở tôn trọng giá trị nội dung tác phẩm, các em xây dựng lại kịch bản theo cảm nhận của mình.
- Thực hiện các công đoạn chuẩn bị trước khi quay phim: làm đạo cụ, trang phục, học lời thoại kịch bản, tìm cảnh quay phù hợp...
- Khi đi thực tế đời sống thực hiện ghi hình, các em chú ý rèn luyện kĩ năng đóng vai, diễn xuất, kĩ thuật ghi hình, làm việc nhóm...
- Khi ghép các đoạn clip với nhau thành kịch bản hoàn chỉnh, các em cần sử dụng các phần mềm tạo video như Capcut, Proshow producer... chú ý kĩ thuật lồng tiếng, hình ảnh, âm thanh cho phù hợp, người dẫn truyện giọng phải truyền cảm...
Giáo viên cho học sinh đánh giá theo mẫu (phụ lục). Kết quả cuối cùng là điểm số sẽ được công bố trước lớp sau khi giáo viên đã tổng hợp và cho điểm. Giáo viên có thể lấy kết quả đánh giá cho điểm cộng vào cột điểm thường xuyên. Để đánh giá mức độ kiến thức sau bài học, giáo viên cho các em làm bài kiểm tra nhanh
Lưu ý: Khi giao nhiệm vụ, giáo viên dựa trên năng lực, sở thích của học sinh (lựa chọn học sinh phù hợp với vai diễn).
Sau khi thực hiện giải pháp này, tôi thấy có một số điểm mới:
- Trước đây, để dạy học bài Thực hành văn học dân gian, giáo viên chủ yếu chỉ vận dụng một phương pháp dạy học tích cực là sân khấu hóa tác phẩm trên lớp học, thậm chí một số giáo viên chỉ cho các em sưu tầm những tác phẩm văn học dân gian đã học. Phương pháp này tuy đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục nhưng chỉ vận dụng một cách đơn điệu. Đa dạng hóa các phương pháp dạy học như tôi đã áp dụng (dạy học dự án, sân khấu hóa tác phẩm, hoạt động trải nghiệm sáng tạo), giáo viên sẽ tận dụng hết mọi ưu điểm của mỗi phương pháp trong dạy học tích hợp. Từ đó hướng đến phát huy nhiều năng lực cho học sinh.
- Bằng hình thức cho các em thực hiện kịch bản văn học bởi một sản phẩm video ghi hình, các em không những hóa thân vào nhân vật mà còn được những trải nghiệm từ thực tế đời sống. Các em phải chọn đạo cụ, trang phục, cảnh phù hợp với câu chuyện. Tích hợp phương pháp dạy học sân khấu hóa với hoạt động trải nghiệm sáng tạo, học sinh sẽ phát huy nhiều năng lực: năng lực tự học, tự giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực thẩm mỹ, năng lực giao tiếp, hợp tác, năng lực công nghệ thông tin và truyền thông...
III. Kết luận:
- Đa dạng hóa các hình thức học tập giúp cho lớp học sinh động, hấp dẫn hơn. Các em học tập tích cực, chủ động, tương tác tốt. Qua hình thức thuyết trình còn giúp học sinh rèn luyện các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, hình thành năng lực giao tiếp; ứng dụng công nghệ thông tin vào học Ngữ văn
- Bằng phương pháp tự học, dạy học dự án... giúp các em làm việc với SGK, thực hành, sưu tầm, rèn kỹ năng tự học, tìm kiếm xử lí thông tin tốt hơn.
- Khi thực hiện sân khấu hóa tác phẩm văn học bằng một clip video, các em phải đi thực tế tìm những cảnh quay phù hợp với câu chuyện. Điều đó sẽ giúp các em có được những trải nghiệm thú vị trong cuộc sống khi thực hiện cảnh quay. Học văn qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo mở ra một không gian mới ngoài lớp học. Khi được tham gia, tự xây dựng nội dung bài học sẽ giúp các em khắc sâu kiến thức hơn. Từ đó, các em phát huy được năng lực, sở trường, bồi dưỡng tâm hồn yêu quê hương, đất nước, ứng dụng những giá trị của văn học vào cuộc sống.
- Hình thức này cũng rèn luyện nhiều kĩ năng mà trong chương trình học khó có thể thực hiện được như: làm việc nhóm, viết kịch bản, đóng vai, diễn xuất, kĩ năng ghi hình video... Các em sẽ thấy yêu thích, hứng thú hơn khi tiếp cận tác phẩm. Nó góp phần phát hiện những nhân tố có năng khiếu nghệ thuật để phát triển phong trào văn nghệ trong nhà trường, địa phương.
- Qua tiết học Thực hành văn học dân gian (sân khấu hóa tác phẩm Tấm Cám) lớp 10A2, theo đánh giáo khảo sát: 38 học sinh hiểu và nắm chắc kiến thức, nhiều em không thích học môn Ngữ văn giơ tay phát biểu, hứng thú học tập, phát hiện nhiều học sinh có năng khiếu đóng vai, diễn xuất, viết kịch bản... Kết quả sản phẩm video kịch bản Tấm Cám đăng trên youtube tên tài khoảng phuoco luong có 84 người đăng kí, 198 lượt thích, 1931 lượt xem càng cho thấy sức thu hút của kịch bản.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn